Tầm soát ung thư ngày nay đã không còn là một khái niệm xa lạ khi mà ngày nay, con số ca mắc ung thư gia tăng đáng kể trên toàn thế giới. Nhắc đến tầm soát ung thư, có lẽ nhiều người sẽ thường hình dung đến những phương pháp chẩn đoán qua hình ảnh như siêu âm, nội soi, chụp CT, MRI,… hay những phương pháp chẩn đoán tế bào học như sinh thiết. Đây là những phương pháp đã được ứng dụng từ lâu và được cho là có giá trị cao trong chẩn đoán ung thư.
Tuy nhiên, cho dù đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc tầm soát – phát hiện ung thư sớm thì việc phải cất công đến bệnh viện cùng những xâm lấn, ảnh hưởng nhất định đến cơ thể trong mỗi hình thức khám thường khiến nhiều người ngần ngại đi khám. Những năm gần đây, cũng với những tiến bộ của khoa học, ngày càng có nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư mới ra đời với ưu điểm là sự đơn giản trong khâu khám, ít xâm lấn – ảnh hưởng đến sức khỏe người khám như xét nghiệp máu, xét nghiệm nước tiểu, và gần đây nhất đó là xét nghiệm qua nước bọt.
Xét nghiệm ung thư qua nước bọt được Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Sinh mệnh trực thuộc đại học Keio (Nhật Bản) công bố trong khuôn khổ đồng nghiên cứu với đại học Califonia vào tháng 6/2010 và hiện nay đã được thực hiện tại một số cơ sở y tế ở Nhật Bản.
Theo như nhóm nghiên cứu, xét nghiệm nước bọt có thể giúp phát hiện các loại bệnh như ung thư khoang miệng, ung thư vú, ung thư tụy, ung thư đại tràng, ung thư phổi với độ chính xác lên đến 70%. Kĩ thuật xét nghiệm này đánh giá sự tồn tại của ung thư thông qua việc đo nồng độ của chất Polyamin trong cơ thể dựa trên những máy móc tân tiến và sự hỗ trợ từ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Polyamin là một vật chất chuyển hóa quan trọng có mặt trong cơ thể sinh vật, chúng nắm giữ vai trò quan trọng việc phân chia tế bào. Trong cơ thể con người tồn tại khoảng 20 loại Polyamin có những vai trò và chức năng khác nhau. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra Polyamin tiết ra bởi tế bào ung thư thường mang cấu trúc khác biệt với những Polyamin từ các tế bào khỏe mạnh. Kỹ thuật phân tích, so sánh cấu trúc tổ chức của Polyamin lấy từ mẫu nước bọt này không chỉ giúp nhận định sự tồn tại của ung thư trong cơ thể mà còn giúp định danh bộ phận mắc ung thư với độ đặc hiệu lên đến 0.9.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc đến bệnh viện để khám sức khỏe hẳn càng đem đến nhiều người băn khoăn vì nỗi lo lây nhiễm. Tuy nhiên, việc ngần ngại này đôi khi có thể khiến ta đánh mất cơ hội phát hiện bệnh sớm và đem đến những ảnh hưởng tiêu cực đến việc điều trị về sau. Chính lúc này, những xét nghiệm đơn giản có thể thực hiện tại nhà như xét nghiệm nước bọt này có thể là một sự lựa chọn mới giúp bệnh nhân nhanh chóng đánh giá sơ bộ về tình hình sức khỏe của mình cũng như tạo tiền đề để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Hi vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nghiên cứu như thế này được phát triển, giúp chúng ta có thêm nhiều lựa chọn cho việc quản lý, chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình.
Trích nguồn: http://www.iab.keio.ac.jp/research/highlight/papers/ (Trang thông tin nghiên cứu Đại học Keio)