Hội chứng sau nhiễm Covid-19 là tình trạng sức khỏe không trở lại bình thường sau khi mắc bệnh, chủ yếu điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng, tâm lý trị liệu.

Hội chứng sau nhiễm Covid-19 còn có nhiều cách gọi khác như Covid-19 mạn, hội chứng sau Covid-19 cấp, hậu quả lâu dài sau Covid-19… Đây là tình trạng sức khỏe không trở lại như bình thường sau khi nhiễm Covid-19.

Theo đó, người bệnh sau mắc Covid-19 có thể gặp phải những rối loạn như:

– Tổn thương nhiều cơ quan: tim mạch, phổi, thận, da, thần kinh và tâm lý.

– Do hội chứng viêm đa cơ quan hay hiện tượng tự miễn dịch.

– Thường mệt mỏi, yếu sức hay dễ kiệt sức sau khi làm việc hoặc gắng sức nhẹ; khó thở, hụt hơi; không suy nghĩ, không tập trung.

– Những triệu chứng dai dẳng khác như ho, nhức đầu, đau ngực, hồi hộp, nhịp tim nhanh, suy giảm nhận thức, đau cơ, đau khớp, đau bụng, tiêu chảy, mất ngủ, sốt, choáng váng, giảm khả năng vận động, ngứa da, mề đay, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn trương lực cơ, thay đổi tâm trạng…

Ai dễ bị hội chứng sau nhiễm Covid?

Hội chứng hậu COVID có thể xảy ra ở bất kỳ người nhiễm COVID-19 nào, từ những người bị bệnh cấp tính rất nhẹ đến những phổ bệnh nặng nhất. Ước đoán có đến 80% bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 sẽ bị ít nhất một triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi hồi phục COVID-19 cấp tính.

Điều trị các triệu chứng hậu Covid-19

Theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ); Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE), các triệu chứng hậu Covid-19 có thể được phân ra làm 4 nhóm để theo dõi và điều trị như sau:

Điều trị triệu chứng liên quan đến phổi:

– Thường gặp là triệu chứng khó thở.

– Chụp X-quang phổi ở tuần 12, theo dõi độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2) bằng oximeter.

– Hướng dẫn người bệnh tránh các yếu tố làm tăng tình trạng khó thở như: thuốc lá, không khí ô nhiễm, môi trường nóng bức, gắng sức quá mức.

– Tập luyện các bài tập về hít thở, vật lý trị liệu hô hấp, duy trì cơ thể ở tư thế thư giãn thoải mái nhất có thể.

– Một số trường hợp bị xơ phổi hoặc giãn phế quản sẽ dùng thuốc điều trị đặc hiệu.

Điều trị triệu chứng tim mạch:

– Có thể gặp cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp, hội chứng nhịp nhanh khi thay đổi tư thế (postural orthostatic tachycardia syndrome [POTS]), viêm cơ tim, hội chứng mạch vành cấp hoặc ngay cả đột tử.

– Đo điện tâm đồ, đo huyết áp và nhịp tim tư thế (ngồi/nằm và đứng), gắn máy theo dõi nhịp tim 24 giờ (Holter ECG); đo men tim nếu nghi hội chứng mạch vành cấp.

– Điều trị theo nguyên nhân. Thuốc chẹn beta có thể có ích trong trường hợp đau thắt ngực, rối loạn nhịp nhanh hoặc hội chứng động mạch vành cấp.

Điều trị triệu chứng mệt mỏi, rối loạn thần kinh tâm lý, thay đổi nhận thức:

– Người bệnh thường có triệu chứng mệt mỏi mạn tính, nhức đầu, đau cơ kéo dài. Điều trị bằng việc tự thay đổi hành vi nhận thức và vận động trị liệu.

– Khám chuyên khoa tâm thần kinh khi có trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc những vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Điều trị tổn thương các cơ quan khác:

– Tổn thương thận sau Covid-19: chức năng thận hồi phục từ từ, cần khám theo dõi với bác sĩ chuyên khoa Nội thận sớm vì có khả năng diễn tiến đến suy thận mãn tính.

– Nhiễm trùng cơ hội đường ruột.

– Viêm tuyến giáp phá hủy có thể gây cường giáp.

Hiện nay còn nhiều nghiên cứu đang tiến hành để đánh giá tác động lâu dài của Covid-19 trên người bệnh, di chứng cũng như các cách thức điều trị; chủ yếu là điều trị theo triệu chứng hay bệnh cảnh, phục hồi chức năng và tâm lý trị liệu.

(Theo báo VnExpress)

Tin liên quan

;